Đón đoàn quốc tế UEL giao lưu văn hoá ngắn hạn là chưa “đủ đô”? Phòng Hợp tác phát triển quyết định thuê hẳn khách sạn “sang - xịn - mịn” để tiếp đoàn đoàn sinh viên Trường Đại học Công giáo Atma Jaya Indonesia (AJCUI) tham gia chương trình trao đổi sinh viên Việt – Indo từ ngày 04/11 đến ngày 09/11 tại UEL.
Thông tin về Chương trình Bridging Law Across Borders 2024 (BLAB):
Chương trình Bridging Law Across Borders là chuỗi chương trình giao lưu văn hóa, trao đổi học thuật kéo dài 05 ngày giữa Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG-HCM và Trường Đại học Công giáo Atma Jaya Indonesia mang đến cho các sinh viên Indonesia ngành Luật quốc tế cơ hội tìm hiểu sâu về hệ thống pháp luật, văn hóa và nền kinh tế đang phát triển của Việt Nam, đồng thời tạo điều kiện cho sinh viên UEL trải nghiệm các buổi học do giảng viên Indonesia từ Trường AJCUI trực tiếp giảng dạy.
Nhằm kiến tạo một chương trình thật “hoành tráng” với mong muốn để lại ấn tượng sâu sắc đối với những người bạn Indonesia về một đất nước Việt Nam năng động và đầy tiềm năng, Phòng Hợp tác phát triển đặt mục tiêu tạo ra sân chơi giao lưu văn hoá, nghệ thuật đan xen giữa những buổi học chuyên đề kết hợp tham quan thực tế tại doanh nghiệp. Những mục tiêu tưởng chừng như không tưởng đó lại được Phòng HTPT thiết kế khéo léo để có thể đan xen giữa văn hóa và học thuật. Cùng “hop on” chuyến xe BLAB và “hop off” qua từng ngày để dõi theo hành trình của các bạn sinh viên AJCUI và Phòng HTPT nhé!
Ngày 1 (05/11/2024): Lớp học chuyên đề “Trade and Development” và tham quan Dinh Độc lập
Đến với ngày đầu tiên trong hành trình BLAB 2024, chuỗi chương trình chính thức khai mạc với lớp học chuyên đề do TS Đào Gia Phúc, Viện Trưởng Viện Pháp luật Quốc tế và So sánh UEL giảng dạy tổ chức tại Không gian Ngoại ngữ và Khởi nghiệp UEL. Lớp học đã diễn ra sôi nổi với những màn “debate” gay cấn nhưng không kém phần thuyết phục về chủ đề Luật thương mại quốc tế giữa đại diện sinh viên UEL và AJCUI.
Sau buổi học thú vị, chuyến tham quan Dinh Độc lập là điểm nhấn nổi bật đầu tiên của chương trình. Là biểu tượng lịch sử quan trọng trong trang sử hào hùng của Việt Nam, Dinh Độc Lập không những đã khiến các bạn sinh viên trầm trồ bởi kiến trúc độc đáo, mà còn bởi sự đấu tranh anh dũng đằng sau công trình này.
“Mình đã chuẩn bị tinh thần “mỏi chân” khi khám phá Dinh Độc Lập, nhưng không ngờ rằng bên dưới khuôn viên còn có một cả hệ thống hầm bọc thép rộng lớn đến vậy. Hầm dài khoảng 70 mét nhưng tưởng chừng như đi mãi không thấy điểm kết thúc luôn!” - Jasmine Lataan, sinh viên AJCUI hài hước chia sẻ.
Ngày 2 (05/11/2024): Lớp học chuyên đề “Legal Analysis and Reasoning” và trải nghiệm chợ đêm tại Phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ
Đối với sinh viên Luật, tư duy phản biện và khả năng giải quyết vấn đề là không thể thiếu. Vì vậy ThS Liên Đăng Phước Hải, Giảng viên Khoa Luật dân sự UEL đã xây dựng lớp học “Legal Analysis and Reasoning” để củng cố xử lý vấn đề một cách logic, từ đó xây dựng nền tảng vững chắc cho sự nghiệp ngành Luật của các bạn.
Buổi học kết thúc với sự đồn thổi về nền ẩm thực đường phố độc đáo của Việt Nam. Và để hiện thực hóa những “lời đồn có cánh” đó, các bạn Indonesia được Phòng HTPT “hộ tống” ngay trong ngày đến Phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ để được tự do khám phá khu chợ đêm giữa lòng TP.HCM. Đúng với cái tên chợ đêm, khu phố ẩm thực này tấp nập với đa dạng các hàng ẩm thực Châu Á đến tận 3 giờ sáng. Mãi đắm chìm trong hương vị dân dã của vô vàn các hàng quán, các bạn cộng tác viên HTPT nhà ta phải cố gắng lắm mới đưa các bạn sinh viên quốc tế về nghỉ ngơi để chuẩn bị cho hành trình ngày 3!
Recap BLAB 2024 Day 1 & Day 2: DCD Fanpage
Ngày 3 (06/11/2024): Lớp học chuyên đề “Ponzi Scheme under Criminal Law” và tham quan Tổng Lãnh sự quán Cộng hoà Indonesia tại TP.HCM
Mô hình lừa đảo Ponzi từ lâu là một loại hình phạm tội nghiêm trọng, gây nhức nhối trong cộng đồng ASEAN và toàn thế giới. Nhằm phân tích mô hình này, ThS Phạm Lộc Hà, Giảng viên, Nghiên cứu sinh Viện Pháp luật Quốc tế và So sánh UEL đã mang đến một góc nhìn mới về bản chất, quy trình và hậu quả của các mô hình lừa đảo tài chính trong hệ thống pháp lý. Buổi học kết thúc với những bài học tự đúc kết khi so sánh cách giải quyết mô hình phạm tội giữa hai quốc gia.
Lặn lội từ “xứ sở nghìn đảo” đến khám phá đất nước hình chữ S thì không thể nào không ghé thăm “Bác Tổng” - một tên gọi thân thương của các bạn dành cho Ngài Tổng Lãnh sự Agustaviano Sofjan. Tại đây các bạn được lắng nghe những chia sẻ về mối quan hệ hữu nghị, chính sách giao thương giữa hai nước và đường lối “ngoại giao cây tre” của Việt Nam.
Đúng với tên gọi thân thương “Bác Tổng”, bác không chỉ truyền tải những bài học sâu sắc mà còn ân cần lắng nghe những “báo cáo” về những “kiếp nạn, gian truân khổ ải” mà các bạn phải trải qua trong hành trình BLAB 2024. Nói vui vậy thôi nhưng buổi tham quan thật sự đã góp phần gắn kết và mở ra cơ hội học tập, trao đổi trong tương lai giữa UEL và AJCUI.
Recap BLAB 2024 Day 3: DCD Fanpage
Ngày 4 (07/11/2024): Trải nghiệm văn hoá sông nước miền Tây Nam Bộ tại Tiền Giang - Bến Tre - Mỹ Tho
Khép lại 03 chuyên đề tại UEL, Phòng HTPT thiết kế riêng một ngày “UEL Tây du ký” về 03 tỉnh miền Tây sông nước. Là sinh viên Hồi giáo từ thủ đô Jakarta, các bạn rất cởi mở tìm hiểu về văn hóa tín ngưỡng Phật giáo của Việt Nam. Đặt những bước chân đầu tiên đến di tích lịch sử văn hóa quốc gia tại Tiền Giang, Chùa Vĩnh Tràng đã giúp các bạn sinh viên hiểu hơn về môi trường tôn giáo cởi mở và hòa hợp trong xã hội Việt Nam.
Tiếp nối hành trình, dọc theo sông Tiền với 04 cù lao nổi tiếng Long, Lân, Quy, Phụng, các bạn được tiếp xúc với loại hình văn hóa nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ, trải nghiệm thu hoạch mật ong hoa nhãn và tìm hiểu quy trình làm kẹo dừa của xứ dừa Bến Tre.
Hoạt động trải nghiệm “dề miềng Tây” là cơ hội để các bạn sinh viên quốc tế tạm thời rời xa khói bụi thành thị để tìm hiểu về văn hóa miền sông nước Việt Nam với một góc nhìn mới, khác biệt với nhịp sống ngoài khơi của những hòn đảo Indonesia.
Recap BLAB 2024 Day 4: DCD Fanpage
Ngày 5 (08/11/2024): Tham quan Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và bế mạc chương trình
Điểm đến cuối cùng của BLAB 2024 là buổi tham quan thực tế tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) - đối tác uy tín của UEL hoạt động trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp thương mại bằng hình thức trọng tài và hòa giải. Chuyến tham quan tại VIAC đã giúp các bạn sinh viên Luật AJCUI bổ sung kiến thức thực tiễn về những vấn đề pháp lý của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và phát triển sâu rộng, từng bước trở thành thành viên cốt lõi của cộng đồng ASEAN.
Với sự kết hợp hài hòa giữa giao lưu văn hóa, nghệ thuật và trao đổi học thuật, Chương trình Bridging Law Across Borders 2024 quả thực đã mang lại hành trình đầy ý nghĩa và đáng nhớ cho sinh viên AJCUI. Không chỉ mở rộng tầm nhìn về hệ thống pháp luật Đông Nam Á, BLAB 2024 còn góp phần tạo nên kết nối bền vững trong cộng đồng học thuật quốc tế, đúng với tên gọi “Kết nối luật xuyên biên giới”. Sự thành công của BLAB 2024 là lời khẳng định đầy hứa hẹn cho một thế hệ sinh viên Đông Nam Á được đào tạo để trở nên năng động, sáng tạo, bứt phá, luôn sẵn sàng hội nhập. Đó cũng chính là mục tiêu mà Trường Đại học Kinh tế - Luật luôn muốn gửi gắm đến từng thế hệ người học trong sự nghiệp trồng người.
Recap BLAB Day 5: DCD Fanpage