Chương trình có sự tham dự của GS.TS Trần Ngọc Anh (Trường Chính sách Công và Môi trường O'Neill, Đại học Indiana, Hoa Kỳ). Về phía UEL có sự tham dự của: PGS.TS Lê Tuấn Lộc - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường cùng các thành viên Ban giám hiệu, lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Trường, Trưởng Bộ môn, Giám đốc chương trình và tương đương.
Tọa đàm “Phát triển và quản trị trường đại học trong kỷ nguyên số”
Xu hướng quốc tế hóa và toàn cầu hóa đã và đang đặt ra cho Việt Nam nhiều thách thức nhưng cũng đem tới nhiều cơ hội đưa hệ thống giáo dục đại học trở thành nền tảng cho sự thay đổi chất lượng lực lượng lao động và năng lực nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo. Tọa đàm "Phát triển và quản trị trường đại học trong kỷ nguyên số" nằm trong số những hoạt động nhằm giúp đội ngũ cán bộ quản lý của UEL tiếp cận những kinh nghiệm xây dựng và quốc tế hoá hoạt động của trường đại học, phát triển đại học và tổ chức quản trị đại học trong kỷ nguyên số với sự hỗ trợ của dự án PHER.
Dự án PHER (tên đầy đủ là Partnership for Higher Education Reform) nằm trong khung Chương trình Hỗ trợ Phát triển Giáo dục Đại học của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Sáng kiến kéo dài 5 năm từ 2022 đến 2026 nhằm nâng cao năng lực để 3 cơ sở giáo dục đại học trọng điểm của Việt Nam phát triển bền vững và tự chủ hơn trong các lĩnh vực quản trị, đào tạo, nghiên cứu và kết nối với doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu về nhân lực phục vụ cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Phát triển khai mạc, Hiệu trưởng, PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh giới thiệu những đóng góp quan trọng của GS.TS Trần Ngọc Anh với các hoạt động nghiên cứu, tư vấn chính sách phát triển giáo dục đại học của Việt Nam qua sự am hiểu trong lĩnh vực về giáo dục, đặc biệt là giáo dục Việt Nam. PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh nhấn mạnh toạ đàm có ý nghĩa quan trọng, phục vụ cho quá trình thực hiện chiến lược và hoạt động chung của Trường. Bên cạnh đó, đây là diễn đàn để trao đổi, thảo luận, đổi mới tư duy và thống nhất nhận thức về quản trị đại học hiện nay từ đội ngũ quản lý cấp trường, đến cấp đơn vị, bộ môn, chương trình.
PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh – Hiệu trưởng phát biểu khai mạc tọa đàm
Diễn giả, GS.TS Trần Ngọc Anh đã trình bày báo cáo tổng quan với chủ đề “Phát triển và quản trị trường đại học trong kỷ nguyên số”. Sự phát triển của công nghệ làm thay đổi rất nhanh thị trường việc làm và kỹ năng tương ứng trên toàn cầu dẫn đến việc các cơ sở giáo dục đối diện với nguy cơ bị tụt hậu, suy giảm danh tiếng nếu chậm thay đổi mô hình quản trị. Các đại học danh tiếng Hoa Kỳ có mô hình quản trị bên trong hiệu quả, chất lượng dựa trên 4 nhóm công nghệ hỗ trợ: hệ thống hoạch định nguồn lực của tổ chức (Enterprise Resource Planning-ERP), hệ thống thông tin sinh viên (Student Information Systems-SIS), hệ thống quản lý nghiên cứu (Research Administration Systems-RAS), hệ thống quản lý quan hệ khách hàng (Customer Relationship Management-CRM). Từ sự thay đổi của thị trường việc làm và công nghệ, GS.TS Trần Ngọc Anh chia sẻ 4 nhóm công việc phổ biến trong các doanh nghiệp và ngành bị ảnh hưởng nhiều (có chỉ số gián đoạn kỹ năng tương đối cao) nếu các trường không thay đổi về phương thức giảng dạy, quản trị đại học: (i) công nghệ thông tin, (ii) marketing và quan hệ quan chúng, (iii) chất lượng nguồn nhân lực, (iv) bán hàng (sales) (theo tài liệu: Shifting Skills, Moving Targets, and Remaking the Workforce của The Burning Glass Institute, the Boston Consultanting Group, Lightcat, 2022).
GS.TS Trần Ngọc Anh trình bày báo cáo “Phát triển và quản trị trường đại học trong kỷ nguyên số”
Chủ đề toạ đàm nhận được nhiều sự quan tâm, thảo luận sâu của đội ngũ cán bộ quản lý tham dự với GS.TS Trần Ngọc Anh. Những khía cạnh được quan tâm nhiều về:
- Đổi mới phương thức quản trị theo kết quả và xây dựng hệ thống thông tin quản lý;
- Hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong;
- Hỗ trợ đổi mới trong dạy và học;
- Xây dựng hạ tầng nghiên cứu cho trường đại học hiệu quả, nâng cao năng lực nghiên cứu và đổi mới sáng tạo;
- Hệ thống quản trị và hỗ trợ nghiên cứu;
- Tạo môi trường cho sự thành công của sinh viên;
- Liên kết đại học - doanh nghiệp.
Ban giám hiệu, cán bộ quản lý UEL tham dự tọa đàm trao đổi, thảo luận
PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh tặng quà cảm ơn GS.TS Trần Ngọc Anh
Lãnh đạo Trường, cán bộ quản lý các cấp UEL tham dự tọa đàm chụp hình lưu niệm
Tin, hình ảnh: Phòng Truyền thông
GS.TS Trần Ngọc Anh (Trường Chính sách Công và Môi trường O'Neill, Đại học Indiana, Hoa Kỳ) là Chủ tịch các dự án USAID của Đại học Indiana tại Việt Nam, Chủ tịch Vietnam Initiative. Đồng thời, GS.TS Trần Ngọc Anh là Chủ nhiệm dự án PHER đang triển khai ở 3 đại học (ĐHQG-HCM, ĐHQG Hà Nội, ĐH Đà Nẵng) và là thành viên Hội đồng Khoa học và Đào tạo UEL nhiệm kỳ 2022-2027.
Chiến lược của PHER tập trung vào 4 trụ cột chính, bao gồm: Chương trình Đổi mới Quản trị, Chương trình Nâng cao chất lượng Dạy và học, Chương trình Nâng cao năng lực Nghiên cứu, và Chương trình Tăng cường kết nối Đại học-Doanh nghiệp nhằm hỗ trợ trực tiếp ba đại học lớn của Việt Nam, gồm ĐHQG-HCM, ĐHQG Hà Nội và ĐH Đà Nẵng. Lồng ghép trong 4 chương trình này là hoạt động cải cách và vận động chính sách về giáo dục đại học, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ và trao quyền giới sẽ là những chiến lược xuyên suốt và quan trọng để đảm bảo thành công và bền vững lâu dài trong các kết quả của dự án.