UEL và VIAC tổ chức Hội thảo “Các vấn đề về thẩm quyền giải quyết tranh chấp của trọng tài thương mại”

Ngày 23/3/2023, Trường Đại học Kinh tế - Luật (UEL) và Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã tổ chức Hội thảo “Các vấn đề về thẩm quyền giải quyết tranh chấp của trọng tài thương mại” với sự tham gia của 200 đại biểu trong và ngoài nước.


Hội thảo có sự tham dự của PGS.TS Lê Vũ Nam – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật; Luật sư Châu Việt Bắc – Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam; các giảng viên, luật sư đến từ UEL, VIAC cùng hơn 200 chuyên gia trong nước, quốc tế tham dự qua hình thức trực tiếp và trực tuyến. 

 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Lê Vũ Nam nhấn mạnh Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học, các chuyên gia trao đổi, thảo luận về những vấn đề lí luận, thực tiễn liên quan đến việc áp dụng và giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài trong thời gian qua; đồng thời, Hội thảo sẽ góp phần triển khai định hướng nghiên cứu pháp luật kinh doanh thương mại trong nền kinh tế số của UEL. 



PGS.TS Lê Vũ Nam phát biểu khai mạc Hội thảo



Luật sư Châu Việt Bắc – Phó Tổng Thư ký VIAC chia sẻ tại Hội thảo

 

Tại Việt Nam, phương thức trọng tài ngày càng phổ biến và được cộng đồng doanh nghiệp sử dụng nhiều hơn khi giải quyết các tranh chấp. Theo thống kê của VIAC, năm 2022, tổng số vụ được thụ lý tại VIAC đạt gần 300 vụ, tăng đáng kể so với giai đoạn trước. Số liệu này đã cho thấy được mức độ tin tưởng cũng như tính hiệu quả mà phương thức trọng tài mang đến cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển đó, tính phức tạp của các vụ việc cũng dần tăng lên. Thông qua các tranh chấp, thực tiễn tiến hành tố tụng trọng tài luôn nảy sinh nhiều bất cập và tranh cãi. 

 

Để một tranh chấp được giải quyết tại trọng tài, yếu tố tiên quyết là tranh chấp có thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài hay không. Trường hợp thuộc thẩm quyền trọng tài, vụ việc sẽ được thụ lý và tiến hành theo thủ tục tố tụng trọng tài. Ngược lại, các tranh chấp không thuộc phạm vi giải quyết của trọng tài, Tòa án sẽ là đơn vị giải quyết. Thời gian qua, có không ít những tranh luận, quan điểm liên quan đến điều khoản về thẩm quyền của trọng tài. 

 

Luật Trọng tài thương mại 2010 đã có nhiều điểm mới, tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong hoạt động trọng tài thương mại và hỗ trợ cho Tòa án giảm bớt những vụ việc giải quyết tranh chấp trong hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, trên thực tiễn 12 năm áp dụng, Luật này vẫn còn tồn tại một số vướng mắc nhất định, vì vậy, một số chuyên gia tham dự Hội thảo cho rằng việc sửa đổi, bổ sung Luật Trọng tài thương mại 2010 là vấn đề cần thiết.



TS Lê Nguyễn Gia Thiện – Phó trưởng Khoa Luật UEL trình bày tham luận Xu hướng phát triển của các loại tranh chấp thuộc thẩm quyền xét xử của trọng tài trên thế giới



Luật sư Châu Việt Bắc – Phó tổng Thư ký VIAC trình bày tham luận Thực tiễn áp dụng quy định pháp luật về các loại tranh chấp thuộc phán quyết của trọng tài



Bà Ủ Thị Bạch Yến – Nguyên Thẩm phán Tòa Kinh tế, TAND TP. Hồ Chí Minh, Trọng tài viên VIAC trình bày tham luận Thẩm quyền của trọng tài và Tòa án đối với các tranh chấp thương mại

 

Luật sư Trần Duy Cảnh – Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH Dentons Luật Việt, Trọng tài viên VIAC trình bày tham luận Thẩm quyền của trọng tài với các tranh chấp thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án 


GS Masako Miyatake – Đại học Luật Keio, Phó Tổng Thư ký Trung tâm giải quyết tranh chấp quốc tế Nhật Bản trình bày tham luận Thẩm quyền giải quyết tranh chấp của trọng tài theo luật trọng tài Nhật Bản

 

Hội thảo “Các vấn đề về thẩm quyền giải quyết tranh chấp của trọng tài thương mại” thuộc khuôn khổ chuỗi sự kiện “Bàn luận về quy định liên quan đến giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài” diễn ra từ ngày 23/3/2023 đến ngày 14/4/2023 do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp cùng đối tác, cơ sở đào tạo luật uy tín tại TP.HCM cùng tổ chức.



Các nhà khoa học, chuyên gia và đại biểu tham dự Hội thảo chụp hình lưu niệm

 

Tin và hình ảnh: Phòng Truyền thông