Hội thảo “Cơ chế dịch chuyển đất đai và chính sách pháp lý đột phá cho TP.HCM”

Ngày 07/4/2023 Đại học Quốc gia TP.HCM (ĐHQG-HCM) phối hợp cùng Ủy ban nhân dân TP.HCM (UBND TP.HCM) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Cơ chế dịch chuyển đất đai và chính sách pháp lý đột phá cho TP.HCM” tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM.

 

 

Hội thảo có sự tham dự và đồng chủ trì của Đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM; PGS.TS Vũ Hải Quân, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Giám đốc ĐHQG-HCM; Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn - Phó trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương, cùng hơn 200 đại biểu đến từ các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các chuyên gia, nhà khoa học từ nhiều cơ sở giáo dục, đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp, hiệp hội và đại diện của các cơ quan phát thanh truyền hình, thông tấn báo chí.


Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đánh giá cao sự chủ động của ĐHQG-HCM trong phối hợp tổ chức Hội thảo quan trọng này, và kỳ vọng đây là nơi lắng nghe những ý kiến trực diện và gợi mở nhiều chính sách về đất đai của các chuyên gia, nhà khoa học, khách mời tham dự. Hiện nay công tác quản lý và sử dụng đất đai của TP.HCM còn những tồn tại và bất cập, do đó cần nhìn nhận lại những vấn đề cốt lõi xuất phát cơ chế, khung pháp lý. Từ đó có cách tiếp cận sử dụng, phân bố, quản lý đất đai phù hợp cho sự phát triển nhanh và bền vững, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM.

 

Đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy,
Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu khai mạc Hội thảo 

 

PGS.TS Vũ Hải Quân, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Giám đốc ĐHQG-HCM
phát biểu chào mừng Hội thảo 

 

Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn - Phó trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương phát biểu đề dẫn Hội thảo


Hội thảo là diễn đàn quan trọng để các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách và các cơ quan, tổ chức hữu quan trao đổi, thảo luận chuyên sâu về cơ chế dịch chuyển đất đai, góp phần đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và Dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

 

Ban tổ chức đã nhận được trên 40 bài viết, trong đó Trường Đại học Kinh tế - Luật tham gia đóng góp 50% số bài tham luận. Và có 02 báo cáo tham luận chính được trình bày tại Hội thảo về “Cơ chế chuyển dịch đất đai trong pháp luật một số quốc gia và góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi” của PGS.TS Đoàn Thị Phương Diệp, Trưởng phòng Thanh tra - Pháp chế cùng nhóm nghiên cứu và “Chính sách đất đai đột phá đối với TP.HCM: Những gợi mở từ dự thảo Luật Đất đai sửa đổi” của ThS Trương Trọng Hiểu, khoa Luật Kinh tế.


PGS.TS Đoàn Thị Phương Diệp, Trưởng phòng Thanh tra – Pháp chế Trường Đại học Kinh tế - Luật phân tích xu hướng chuyển dịch đất đai trong pháp luật một số quốc gia (Trung Quốc, Nhật và Úc) có nhiều sự tương đồng với Việt Nam và khẳng định đây là nguyên nhân ảnh hưởng lớn đến sự phát triển và tăng trưởng của các nền kinh tế. Trên cơ sở bối cảnh mới, nhóm nghiên cứu đưa ra các kiến nghị cho dự thảo Luật đất đai về cơ chế chuyển dịch đất đai, cụ thể: (i) Nhà nước chỉ đóng vai trò quyết định và thực hiện việc chuyển dịch bắt buộc thông qua cơ chế thu hồi đất (land acquisition) (mà thực tế là thu hồi quyền sử dụng đất) đối với các dự án vì an ninh quốc gia, lợi ích công cộng định nghĩa theo nghĩa hẹp; (ii) Trong cơ chế chuyển dịch tự nguyện và cả cơ chế chuyển dịch bắt buộc, cần ghi nhận thủ tục yêu cầu Toà án xem xét quyết định thu hồi cũng như giá cả bồi thường; (iii) Quy hoạch tổng thể sử dụng đất cần bổ sung thêm phần quy hoạch đất có khả năng chuyển dịch, từ đó xác định rõ giới hạn của chuyển dịch đất đai trong từng giai đoạn và đối với từng khu vực. 

 

PGS.TS Đoàn Thị Phương Diệp, Trưởng phòng Thanh tra – Pháp chế 
đại diện nhóm nghiên cứu Trường Đại học Kinh tế - Luật trình bày tham luận 


Nghiên cứu của ThS Trương Trọng Hiểu, khoa Luật Kinh tế cho thấy chính sách đất đai trải dài 4 lĩnh vực trong 6 lĩnh vực cần cơ chế, chính sách đặc thù trong giai đoạn mới của TP.HCM (gồm: quản lý đầu tư; tài chính ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy, phân cấp, phân quyền, ủy quyền và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động). ThS Trương Trọng Hiểu gợi mở nhiều kiến nghị, đáng chú ý: (i) Về vấn đề thu hồi đất, cần mở rộng đến nhóm B - lĩnh vực: Giao thông, y tế, giáo dục, cấp thoát nước và xử lý rác thải (Luật đầu tư công hiện đang giới hạn ở dự án nhóm A) nhằm đảm bảo điều kiện ban hành quyết định thu hồi đất khi các giai đoạn khác của quá trình phê duyệt, quyết định và triển khai dự án đầu tư công chưa hoàn tất; (ii) Về định giá và thẩm quyền định giá đất thẩm quyền định giá đất, trong ngắn hạn chọn TP.Thủ Đức để áp dụng thí điểm cơ chế ban hành giá đất; (iii) Về đơn vị hành chính đặc thù, UBND TP.HCM là thành phố trực thuộc Trung Ương được quyền ban hành quyết định hành chính gắn với các chủ thể thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh/với tổ chức kinh tế sử dụng đất; (iv) Chọn TP.HCM là địa phương thí điểm xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai với một số biện pháp: Đưa ra quy định và cả chế tài để buộc các bên có liên quan cung cấp thông tin về đất đai, đặc biệt là giá đất của các giao dịch. Quy định trách nhiệm của các đơn vị, bao gồm cơ quan thuế và tổ chức kinh doanh bất động sản xuất thông tin về đất đai lên hệ thống dữ liệu quốc gia. Phân bổ ngân sách và tài chính phù hợp để xúc tiến và triển khai các hoạt động này. Tổ chức xử lý và vận hành, khai thác dữ liệu một cách hiệu quả.


ThS Trương Trọng Hiểu, khoa Luật Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế - Luật trình bày tham luận


PGS.TS Ngô Hữu Phước, Phó trưởng khoa Luật Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế - Luật điều phối phần thảo luận Hội thảo với sự tham gia của Ông Phạm Ngô Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường; Ông Huỳnh Vũ Quốc Phương, Hàm Phó Vụ trưởng, Vụ Công nghiệp, Văn phòng Chính phủ; TS. Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM; TS Phạm Văn Võ, Phó trưởng khoa Luật thương mại, Trường Đại học Luật TP.HCM và TS. Thái Thị Tuyết Dung, khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế - Luật.

 


Các diễn giả, đại biểu tham gia phiên thảo luận sôi nổi với nhiều góc nhìn, quan điểm 

 

Thông qua Hội thảo, các góp ý, kiến nghị cùng kết quả nghiên cứu sẽ được Ban tổ chức tổng hợp gửi đến các cơ quan chức năng của Trung ương và TP.HCM đóng góp cho quá trình hoàn thiện và triển khai chính sách về đất đai và cơ chế đặc thù cho TP.HCM.


Tin bài: Phòng Truyền thông
Hình ảnh: Thiện Thông

Báo chí đưa tin về sự kiện:

  - Truyền hình thông tấn, xem TẠI ĐÂY

- Báo Tuổi Trẻ, xem TẠI ĐÂY

- Báo Người lao động, xem TẠI ĐÂY
- Báo Pháp luật TP.HCM, xem TẠI ĐÂY

- Báo Sài Gòn giải phóng, xem TẠI ĐÂY

- Báo Nhân Dân, Xem TẠI ĐÂY

- VNExpress, Xem TẠI ĐÂY

  - Tiền Phong, Xem TẠI ĐÂY