Những ngày này ở khắp mọi miền tổ quốc, đâu đâu cũng đang e ấp khoác lên mình tấm áo mới của xuân sang. Búp đào đang trĩu sắc thắm, mai vàng thì đã nở rộ, khắp phố phường, ai ai người ta cũng lo lắm sửa, dọn nhà. Không chỉ thấy hoa, thấy mứt mới biết Tết đến, mà không khí Tết âm thầm len lỏi vào từng nếp nhà, từng bữa ăn và trong lòng của từng người dân Việt Nam.Tết Nguyên Đán là một ngày lễ vô cùng quan trọng đối với mỗi người dân Việt Nam. Đây không chỉ là dịp để vui chơi, giải trí mà còn là thời gian để gìn giữ và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống, thể hiện lòng hiếu thảo, tinh thần đoàn kết và cầu mong một năm mới an khang, thịnh vượng.
Tết là dịp để những người con xa xứ có cơ hội về nhà đoàn tụ, sum vầy cùng với người thân và gia đình bên mâm cỗ ấm cúng. Không chỉ vậy, ngày Tết theo tín ngưỡng của người Việt còn là ngày để mọi người thăm hỏi họ hàng gần xa, xóm làng, thầy cô, bạn bè,... tạo dựng mối quan hệ khăng khít với nhau.
Ngày Tết, người Việt thường có những hoạt động như lì xì, dọn dẹp nhà cửa, chợ hoa Tết, thăm hỏi chúc Tết, hái lộc đầu năm, bắn pháo hoa và du xuân. Đây là những nét đẹp đặc trưng tạo nên không khí Tết rộn ràng, ấm áp và sum vầy. Mỗi phong tục đều mang ý nghĩa riêng, thể hiện mong ước về một năm mới an khang, thịnh vượng và hạnh phúc.
Ngày Tết không thể trọn vẹn nếu thiếu “mâm cao cỗ đầy” và theo phong tục chung, ẩm thực ngày Tết của người Việt Nam nhất thiết phải có mâm cỗ với các món ăn đặc biệt mà ngày thường ít có. Ngày Tết người miền Bắc có bánh chưng xanh kèm dưa hành, xôi gấc, thịt gà, thịt đông. Người miền Trung tinh tế tròn vị với bánh tét, bánh tổ, bánh in, và các loại mứt ngọt ngào. Còn người miền Nam thì giản dị mà tròn đầy với đủ loại bánh tét, từ bánh thịt đến bánh chay, thịt kho măng và món canh khổ qua, để một năm mới cái khổ qua đi.
Xem thêm thông tin bài viết tại: Fanpage HTPT
Tin, hình ảnh: Phòng Hợp tác phát triển