Hội thảo “Giá trị cốt lõi mô hình dịch chuyển sinh viên đối với người học” cùng Đại học Stavanger (UiS), Na Uy

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc trao đổi văn hóa và học thuật mang đến cơ hội kết nối không giới hạn cho sinh viên. Nhằm nâng cao hiểu biết về giá trị của mô hình dịch chuyển sinh viên, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (UEL) đã tổ chức Hội thảo “Giá trị của mô hình dịch chuyển sinh viên đối với người học” với sự tham dự của GS Jacob Ryan Adams từ Đại học Stavanger (UiS), Na Uy vào ngày 06/01/2025.

 

Chia sẻ chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn

 

Chủ trì buổi hội thảo, TS Lê Văn Hinh, Trưởng phòng Hợp tác phát triển đã có những trao đổi thiết thực với GS Adams về những cơ hội và công cụ cần thiết để sinh viên sẵn sàng hội nhập toàn cầu. Bên cạnh đó, những thách thức về mô hình trao đổi sinh viên Trường cũng được chia sẻ thẳng thắn.

 

Với thế mạnh trong các lĩnh vực kinh tế, kinh doanh, quản lý và luật, một số nhóm ngành mũi nhọn thuộc Khoa Tài chính - Ngân hàng, Hệ thống thông tin hay Toán Kinh tế lại ít thu hút được sinh viên Trường tham gia trao đổi. Trái ngược với các ngành “quốc dân” như Quản trị kinh doanh, Kinh tế quốc tế, Kinh tế đối ngoại, … lại có số lượng sinh viên trao đổi ổn định qua các năm. Khoa Luật là trường hợp đặc biệt khi số lượng sinh viên đến học tập trao đổi tại UEL (inbound) luôn vượt trội hơn so với số sinh viên tham gia chương trình trao đổi quốc tế (outbound).

 

 

  Là chuyên gia trong lĩnh vực luật học, GS Adams tập trung xoay quanh chủ đề phương pháp học tập thông minh được ứng dụng rộng rãi trong giáo dục Na Uy, từ đó giúp sinh viên Khoa Luật giảm bớt nỗi lo âu khi tham gia chương trình trao đổi với những câu hỏi điển hình: “Học luật bằng tiếng Việt đã khó, chưa bao giờ em nghĩ em có thể học luật bằng tiếng Anh.” - Nguyễn Thị Tú Anh, sinh viên K23 ngành Luật thương mại quốc tế bày tỏ.

“Việc học luật không chỉ là học chăm chỉ, mà còn phải học thông minh. Các em nên tìm được trường hợp thực tế và tìm hiểu cách nó hoạt động thì mới nhớ lâu và hiệu quả. Đặc biệt đối với sinh viên luật thương mại quốc tế, việc tham gia vào môi trường toàn cầu từ sớm là vô cùng cần thiết”, GS Adams chia sẻ.

 

  “Là sinh viên khoa Luật, chưa bao giờ em nghĩ đến một nước nào khác ngoài Pháp để đi du học ngắn hạn vì có sự tương đồng trong hệ thống pháp luật Việt - Pháp. Ngoài ra chương trình liên kết Thạc sĩ Luật Tài sản Việt - Pháp giữa UEL và Đại học Panthéon - Assas Paris II càng làm củng cố thêm điều này. Nhưng sau buổi chia sẻ hôm nay, em cảm thấy nếu thật sự có năng lực và đam mê thì bất kỳ quốc gia nào cũng giúp em trau dồi thêm chuyên môn.” - Phương Minh Anh, sinh viên K23 ngành Luật Kinh tế, chương trình Cử nhân tài năng chia sẻ.

 

 

  Là một trong các trường đại học trẻ nhưng uy tín hàng đầu Na Uy, UiS được thành lập năm 2005, UiS nổi bật với cơ sở vật chất hiện đại và môi trường đa văn hóa, tạo điều kiện tối ưu cho sinh viên nghiên cứu và phát triển. UEL tự hào là một trong bốn đối tác tại Việt Nam của UiS. Hội thảo không chỉ truyền cảm hứng mà còn khẳng định cam kết của UEL trong việc mở rộng cơ hội trao đổi quốc tế, giúp sinh viên vững vàng bước ra thế giới.