[UEL-SEB 2024] Workshop chia sẻ kinh nghiệm công bố quốc tế thành công

Ngày 24/4/2024, trong khuôn khổ Hội thảo khoa học quốc tế “UEL - Sustainability in  Economics and Business (UEL–SEB), Trường ĐH Kinh tế - Luật tổ chức Workshop “How to successfully publish research articles in high-ranking international journals” nhằm chia sẻ, trao đổi những kinh nghiệm khi công bố nghiên cứu khoa học trên các tạp chí quốc tế uy tín.

 

 

Buổi workshop có sự tham của GS Wing-Keung Wong - Giáo sư Khoa Tài chính tại Đại học Á Châu, Đài Loan, ông thuộc nhóm các chuyên gia kinh tế hàng đầu Đài Loan; GS Hooy Chee Wooi - Giáo sư Tài chính của Trường Kinh doanh, Đại học Sains Malaysia, Chủ tịch Hiệp hội Tài chính Malaysia; cùng 100 lãnh đạo các đơn vị nghiên cứu, khoa học công nghệ; giảng viên, nghiên cứu viên, nghiên cứu sinh, học viên thuộc các khoa đào tạo của UEL. Ngoài ra, còn có sự tham gia của các nhà khoa học, tác giả quốc tế tham dự UEL-SEB 2024.

 

 

Với vai trò là một người nghiên cứu, người đọc và cả biên tập viên kiểm duyệt nội dung cho các nghiên cứu, GS Hooy Chee Wooi chia sẻ những góc nhìn khác nhau giữa người nghiên cứu/tác giả (Author) và người biên tập (Editor). Theo đó, tác giả thường nghĩ rằng đề tài, số liệu và kết quả nghiên cứu của mình là duy nhất (unique), song dưới góc nhìn của người biên tập, với bất cứ bài nghiên cứu nào được chuyển đến, họ đều sẽ đặt câu hỏi, liệu đó có phải là duy nhất, là độc đáo nhất?

 

Trong nghiên cứu khoa học, đặc biệt là với các công trình nghiên cứu quốc tế, sự duy nhất và độc đáo không có nghĩa là không có ai nghiên cứu hay không có đề tài tương tự, mà là khi nhìn vào đề tài mọi người đều đồng tình, muốn tiếp tục đào sâu nghiên cứu và chứng minh kết quả.

 

Nếu quan điểm của tác giả phù hợp với quan điểm của tổng biên tập và người phản biện của các tạp chí thì bạn đã gần đạt được mục tiêu - GS Hooy Chee Wooi nhận định. Bởi mỗi tạp chí khoa học đều có những mục tiêu, lĩnh vực nghiên cứu và xuất bản riêng, muốn có sự “đồng điệu” để được xuất bản nghiên cứu tại đó, tác giả cần: Đọc những gì họ viết, đọc những gì họ đọc, nghe những gì họ nói, nghe những gì họ nghe và xem những gì họ xem. 

 

Đặc biệt, “Don’t give up” - Đừng bỏ cuộc - là lời nhắn của GS Hooy Chee Wooi đến những nhà nghiên cứu đang đặt mục tiêu đăng công trình trên các tạp chí khoa học quốc tế. Hiện ông đã công bố hơn 400 bài báo khoa học trên các tạp chí uy tín với hướng nghiên cứu chính về kinh tế tài chính, kinh tế lượng, tài chính toán học, kinh tế toán học, phân tích vốn chủ sở hữu, quản lý rủi ro, tài chính hành vi, kinh tế hành vi,…

 

 

GS Wing-Keung Wong với hơn 500 bài báo khoa học công bố trên các tạp chí uy tín SSCI và Scopus cũng đã chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu xuất bản về các hướng nghiên cứu trong lĩnh vực kinh tế tài chính, kinh tế lượng, tài chính toán học, kinh tế toán học, phân tích vốn chủ sở hữu, quản lý rủi ro, tài chính hành vi, kinh tế hành vi,…

 

Trong workshop, các diễn giả và người tham dự còn chia sẻ, thảo luận về các xu hướng xuất bản trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, kinh doanh; các tạp chí khoa học uy tín trong lĩnh vực này cũng như cách thức tiếp cận để mở rộng cơ hội xuất bản công trình nghiên cứu. Các câu hỏi thảo luận còn đề cập đến nhiều khía cạnh khác nhau của quá trình xuất bản, từ chuẩn bị bản thảo đến xử lý phản hồi và bối cảnh đang thay đổi của xuất bản học thuật.


Workshop này là hoạt động thuộc khuôn khổ hội thảo quốc tế UEL–SEB 2024, tạo diễn đàn để các nhà khoa học trong nước và quốc tế bàn luận về các vấn đề kinh tế, tài chính, công nghệ tài chính, xu hướng nghiên cứu mới trong lĩnh vực kinh tế, tài chính của các quốc gia trong khu vực và thế giới. Các vấn đề được chia sẻ sẽ góp phần thúc đẩy về các hướng nghiên cứu mới trong lĩnh vực kinh tế, tài chính.

 

Một số hình ảnh tại Workshop:

 

 

Tin, hình ảnh: Phòng Truyền thông