UEL thăm, chúc mừng các đơn vị nhân dịp kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6)

Ngày 19/6/2023, Trường Đại học Kinh tế - Luật đã thăm chúc mừng các đơn vị báo chí nhân dịp kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

  

Nhân dịp kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2023), ngày 19/6/2023 đoàn công tác của Trường Đại học Kinh tế - Luật do PGS. TS Lê Vũ Nam, Phó Hiệu trưởng làm trưởng đoàn, cùng lãnh đạo các đơn vị (Truyền thông, Hợp tác phát triển, Tuyển sinh và Công tác sinh viên) đã đến thăm và chúc mừng các đơn vị báo chí: Đài Truyền hình TP.HCM (HTV), báo Sài Gòn Giải Phóng, báo Pháp Luật TP.HCM và báo Tuổi Trẻ.

 

Chia sẻ tại buổi làm việc, PGS.TS Lê Vũ Nam nhấn mạnh vai trò và tầm quan trọng của các cơ quan báo chí trong sự phát triển của đất nước nói chung và TP.HCM nói riêng. Thời gian vừa qua, các hoạt động của Trường Đại học Kinh tế - Luật luôn có sự đồng hành, hỗ trợ của các đơn vị truyền thông thông qua các hợp tác cụ thể và truyền tải thông tin chính xác, kịp thời, khách quan đến nhiều đối tượng khác nhau. Trong đó, những hoạt động cốt lõi của UEL (đào tạo, khoa học công nghệ và thực hiện trách nhiệm với cộng đồng) được các cơ quan truyền thông lan toả sâu rộng qua nhiều phóng sự truyền hình, bài viết phản biện xã hội, phỏng vấn chuyên gia, phối hợp tổ chức toạ đàm và hội thảo đóng góp xây dựng chính sách cho Nhà nước, các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương (Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ,...), đặc biệt là đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM, TP.Thủ Đức. PGS.TS Lê Vũ Nam kỳ vọng UEL và các đơn vị tiếp tục nâng cao chất lượng hợp tác trong thời gian tới, tập trung vào các vấn đề “nóng” được xã hội quan tâm, nhất là các góp ý xây dựng chính sách phát triển của đất nước, TP.HCM phù hợp với thế mạnh của nhà trường trong các lĩnh vực kinh tế, kinh doanh và luật.

 

Phát biểu đáp từ, đại diện lãnh đạo các cơ quan báo chí đánh giá cao uy tín, vai trò của Trường Đại học Kinh tế - Luật với xã hội và các đối tượng liên quan, nhà trường đã có nhiều đóng góp cho hoạt động chuyên môn của báo, đài. Đồng thời, gửi lời cảm ơn chân thành tới nhà trường đã luôn ủng hộ, giới thiệu chuyên gia trong các lĩnh vực và hỗ trợ cung cấp thông tin nhanh chóng. Lãnh đạo các đơn vị cam kết sẽ tiếp tục đồng hành, kết nối hiệu quả hoạt động UEL với cộng đồng, việc này cũng sẽ là cơ sở thúc đẩy sự phát triển chung, bền vững của cả báo, đài và nhà trường.

 

Nhà báo Cao Anh Minh, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình TPHCM - HTV (ngồi bên phải) cám ơn sự đồng hành, hợp tác của UEL trong nhiều năm qua

 

Nhà báo Nguyễn Thành Lợi, Phó Tổng biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng (thứ hai, tính từ bên phải vào) đánh giá cao vai trò của UEL trong các hoạt động tư vấn, phản biện và xây dựng chính sách cho TP.HCM, TP.Thủ Đức

 

Nhà báo Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng Biên tập Thường trực báo Pháp Luật TP.HCM (thứ 5, tính từ bên phải vào) tiếp đoàn công tác của UEL

 

Nhà báo Trần Xuân Toàn, Phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ (ngồi bên phải) trao đổi các nội dung hợp tác giữa hai đơn vị

 

Ý nghĩa ngày Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6)

Từ khi có báo “Thanh niên”, báo chí Việt Nam giương cao ngọn cờ cách mạng, nói lên ý chí, khát vọng của dân tộc Việt Nam và chỉ rõ phương hướng đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo chí cách mạng Việt Nam từ tờ báo đầu tiên - báo Thanh niên xuất bản ngày 21/6/1925, qua mỗi thời kỳ Cách mạng 1925 - 1930, 1930 - 1945, 1945 - 1954, 1954 - 1975, 1975 - 1986, 1986 - đến nay, đều có sự phát triển mạnh mẽ.

Ngày 2/6/1950, Chính phủ chính thức quyết định cho thành lập Hội “Những người viết báo Việt Nam” (Hội Nhà Báo Việt Nam ngày nay). Đến tháng 7/1950, Tổ chức Báo chí quốc tế (OIJ) nhóm họp ở Phần Lan đã công nhận Hội những người viết báo Việt Nam là thành viên chính thức của tổ chức.

Tháng 2/1985, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Bí thư Trung ương Ðảng ra quyết định số 52 ngày 5/2/1985 lấy ngày ra số đầu tiên của báo Thanh Niên làm ngày Báo chí Việt Nam (21/6/1925) nhằm nâng cao vai trò và trách nhiệm xã hội của báo chí, thắt chặt mối quan hệ giữa báo chí với công chúng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí.

Ngày 21/6/1985, lần đầu tiên giới báo chí cả nước tổ chức Lễ kỷ niệm ngày Báo chí Việt Nam và kỷ niệm 60 năm Báo Thanh Niên xuất bản số đầu tiên. Ðây là ngày lễ không chỉ của riêng giới báo chí mà là ngày lễ của nhân dân cả nước, vì báo chí là sự nghiệp của toàn dân.

Ngày 21/6/2000, nhân kỷ niệm 75 năm ngày Báo chí Việt Nam, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đồng ý gọi ngày Báo chí Việt Nam là ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Với nhiều người, ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6 có ý nghĩa quan trọng và to lớn. Ngày 21/6 cũng là dịp để những người làm báo nhớ về lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người luôn nhấn mạnh vai trò quan trọng và tác động to lớn của báo chí, Người coi “Văn hóa là một mặt trận”, “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ Cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”.

Ngoài ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng cho rằng, phẩm chất đạo đức, năng lực của người làm báo là yêu cầu không thể thiếu để báo chí xứng đáng với vai trò vị trí quan trọng trong công cuộc Cách mạng chung của đất nước.

Sau ngày thống nhất đất nước, báo chí ở nước ta đã phát triển khá nhanh cả về số lượng và chất lượng, hình thành hệ thống thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình rộng khắp cả nước. Nội dung thông tin của báo chí ngày càng phong phú, hiệu quả, hình thức đẹp, sinh động và hấp dẫn.

Trong thời kỳ hội nhập và đổi mới, báo chí đã tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phản ánh nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân.

Báo chí đã quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Đồng thời báo chí cũng là vũ khí sắc bén chống lại các thế lực thù địch của Cách mạng, đấu tranh chống tiêu cực bảo vệ lợi ích của nhân dân.

Nguồn: Báo điện tử Kinhtedothi.vn

 

Tin, hình ảnh: Phòng Truyền thông